Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 trận
thiên tai (10 trận mưa kèm dông, gió giật; 04 trận mưa lớn; 01 đợt nắng nóng;
01 đợt triều cường và 03 vụ sạt lở bờ sông), thiên tai làm đổ cây xanh gây đứt
đường dây điện 03 pha dẫn đến tai nạn về điện chết 03 người, bị thương 01 người;
sập, hư hỏng 55 căn nhà; ngập 60 căn nhà; thiệt hại 103 ha lúa, hoa màu, 12 ha
cây cao su, 10,1 ha cây ăn trái tập trung và ngã đổ nhiều cây xanh trong đô
thị; chết 15.000 con gà; tràn,
thiệt hại 7,94 ha ao cá; sạt lở 230m bờ sông, trôi 02 cầu dân sinh; sạt lở 350m
đường giao thông; gãy đổ 17 trụ điện hạ thế, trụ biến áp hạ thế, chập cháy, đứt
nhiều tuyến đường dây điện,... nhiều
phương tiện giao thông bị chết máy, nước tràn vào nhà dân làm hư hỏng đồ dùng
sinh hoạt. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 đợt nắng nóng gay gắt gây thiếu nước sinh
hoạt của 53 hộ thuộc ấp Đồng Tâm và Đồng Sen, xã An Bình, huyện Phú Giáo.
Một số hình ảnh
thiệt hại do thiên tai và công tác khắc phục hậu quả năm 2023 trên địa bàn tỉnh
Ngay sau khi thiên tai xảy ra Ủy ban nhân
dân, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị,
thành phố và các xã, phường, thị trấn, các đơn vị điện lực, lực lượng xung kích
địa phương huy động lực lượng dọn dẹp hiện trường, cây xanh ngã đổ, sửa chữa
khắc sự cố điện; hỗ trợ người dân dọn dẹp, khắc phục sửa chữa nhà bị hư hỏng và
rà soát, xác minh đánh giá thiệt hại, thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho người
dân khắc phục hậu quả thiên tai. Trong năm, tỉnh đã hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai (sửa chữa nhà ở cho 27 hộ
dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp cho 208 hộ dân), hỗ trợ duy trì trạm đo mưa
nhân dân, hỗ trợ kinh phí diễn tập phòng chống thiên tai, hỗ trợ sửa chữa khẩn
cấp công trình phòng, chống thiên tai và mua sắm phương tiện phục vụ phòng,
chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với tổng kinh phí 23,778 tỉ đồng từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh. Trung tâm đầu tư Khai
thác Thủy lợi và Nước sạch nông thôn đã lắp đặt đường ống cấp nước cho người
dân sử dụng.
Dự báo tình hình Khí tượng năm
2024
Từ nay đến cuối tháng 6, ít khả
năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông. Sau đó vào mùa bão (từ cuối tháng 6), số lượng
Bão/ANTĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn đến xấp xỉ TBNN. Dự
báo khoảng 12÷15 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông, trong đó có khoảng 05÷07 cơn
ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Khả năng có 01÷02 cơn bão hoặc ATNĐ ảnh hưởng
đến khu vực biển và đất liền khu vực Nam Bộ.
- Nhiệt độ: Mùa nắng nóng năm 2024 do ảnh hưởng của El Nino nên nắng nóng đến sớm hơn
so với
TBNN và kết thúc muộn, với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn TBNN, độ ẩm rất thấp
nên thời tiết cực kỳ oi bức khó chịu. Số ngày nắng nóng và nhiệt độ cao nhất
trung bình trong các tháng mùa khô cao hơn TBNN. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối
trong mùa nắng nóng năm nay khu vực tỉnh Bình Dương dự báo từ 38,5÷39,0 0C, cao hơn so với năm
2023. Nhiệt
độ trung bình từ tháng 4÷6/2024 cao hơn TBNN; tháng 7÷12 xấp xỉ và cao hơn
TBNN.
- Mưa: Khoảng nửa cuối tháng 4,
khu vực tỉnh Bình Dương sẽ xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa. Mùa mưa năm nay
nhiều khả năng sẽ đến muộn hơn so với TBNN, dự báo mùa mưa bắt đầu vào khoảng
nửa cuối tháng 5. Do vậy, trong khoảng thời gian này các hiện tượng dông, sét,
tố lốc, mưa đá có thể sẽ xuất hiện gia tăng về tần suất. Kết thúc mùa mưa ở
Bình Dương xảy ra trong khoảng cuối tháng 11, xấp xỉ TBNN. Tổng lượng mưa toàn
mùa ở mức cao hơn so với TBNN (TBNN từ 1.500 ÷ 2.000mm): Từ tháng 4÷6 tổng lượng
mưa phổ biến xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 5÷10%; từ tháng 7÷10 cao hơn TBNN
5÷10%, 2 tháng cuối năm tổng lượng mưa có xu hướng xấp xỉ và cao hơn so với
TBNN. Có khoảng 1÷2 đợt giảm
mưa giữa mùa mưa xuất hiện vào tháng 8 và tháng 9.
Dự báo tình hình Thủy văn năm
2024
- Sông Sài Gòn: Tình hình thủy văn trong tháng 02/2024, do
ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh xuống phía Nam nên mực nước đỉnh
triều diễn biến ở mức rất cao, xuất hiện ngày 12/02/2024 là 1,76m, bằng đỉnh
triều cao nhất năm 2023. Mực nước
đỉnh triều tại
trạm Thủ Dầu Một (gần cảng Bà Lụa) sẽ còn xuất hiện trong kỳ triều cường tháng
10 và 11 ở mức xấp xỉ và cao hơn kỳ triều cường tháng 02.
- Sông Bé: Mực nước đỉnh lũ năm
2024 tại trạm Phước Hòa ở mức xấp xỉ báo động I (28,00m), xuất hiện trong tháng
9 và 10.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,
mùa mưa, bão, lũ năm 2024 sẽ còn diễn biến phức tạp; cần chủ động đề phòng bão,
lũ, triều cường, dông mạnh kèm theo lốc xoáy, sét...ảnh hưởng đến khu vực tỉnh
Bình Dương.
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai
trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn tỉnh đề nghị Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các
huyện, thị xã,
thành phố: Tổ chức
trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo về nắng
nóng, bão/ATNĐ, dông lốc, sét, mưa đá và những đợt mưa trái mùa trên diện rộng;
thông tin kịp thời đến Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các
xã phường, thị trấn, người dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng
tránh, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất; chuẩn bị sẵn
sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời khi
xảy ra thiên tai và nhanh chóng thực hiện thủ tục,
kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại sớm ổn định cuộc sống; các
đơn vị quản lý công trình cần tăng cường công tác quản lý vận hành, triển khai
các biện pháp tưới tiết kiệm đảm bảo cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất từ
nay đến hết mùa khô 2024, đặc biệt là các hồ chứa./.