Chiều
ngày 16/5/2024, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân
tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN)
tỉnh Bình Dương đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2023; triển
khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban
nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Dương chủ trì hội nghị
Năm
2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 trận thiên tai (10 trận mưa kèm dông, gió
giật; 04 trận mưa lớn; 01 đợt nắng nóng; 01 đợt triều cường và 03 vụ sạt lở bờ
sông), thiên tai sập, hư hỏng 55 căn nhà, ngập 60 căn nhà, thiệt hại 103 ha
lúa, hoa màu, 12 ha cây cao su, 10,1 ha cây ăn trái tập trung, chết 15.000 con gà; tràn, thiệt hại 7,94 ha ao cá; sạt lở 230m bờ sông, 350m đường giao
thông, trôi 02 cầu dân sinh; gãy đổ 17 trụ điện, trụ biến áp hạ thế,… Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 5,8 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra Ủy ban nhân dân, Ban
chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố và các
xã, phường, thị trấn, các đơn vị điện lực, lực lượng xung kích địa phương huy
động lực lượng dọn dẹp hiện trường, cây xanh ngã đổ, sửa chữa khắc sự cố điện;
hỗ trợ người dân dọn dẹp, khắc phục sửa chữa nhà bị hư hỏng và rà soát, xác
minh đánh giá thiệt hại, thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho người dân khắc phục
hậu quả thiên tai. Trong năm, tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 27 hộ dân, khôi phục sản xuất
nông nghiệp cho 208 hộ dân, hỗ trợ duy trì trạm đo mưa nhân dân, hỗ trợ kinh
phí diễn tập phòng chống thiên tai, hỗ trợ sửa chữa khẩn cấp công trình phòng,
chống thiên tai và mua sắm phương tiện phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm
cứu nạn với tổng kinh phí 23,778 tỉ đồng từ nguồn Quỹ
phòng, chống thiên tai tỉnh.
Ông Nguyễn
Thanh Nam - Đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống
thiên tai tại khu vực miền Nam phát biểu ý kiến
Trong năm qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
kịp thời và triển khai thực hiện hiệu quả các quy định, chính sách, kế hoạch
trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ/dự án đã
góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức,
văn bản, dự án trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; đồng
thời nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố,
chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất và nâng cao năng lực của cộng đồng về phòng, tránh, ứng phó thiên tai phát huy ý thức tự giác, tạo sự chủ động, tích cực của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong
việc phòng, tránh, ứng phó thiên tai.
Ông Phạm Văn
Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương trao đổi một số nội dung tại Hội
nghị
Theo nhận định tình hình thiên tai và dự báo của Trung
tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7÷9/2024,
hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và
ATNĐ trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm, khoảng 11÷13 cơn
trên biển Đông; 5÷7
cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão; Mùa mưa được dự báo bắt đầu vào khoảng nửa cuối tháng 5 và sẽ kết thúc mùa mưa ở Bình Dương xảy ra trong khoảng cuối tháng 11, xấp xỉ
TBNN. Tổng lượng mưa toàn mùa ở mức cao hơn so với TBNN (TBNN từ 1.500 ÷
2.000mm): Từ tháng 4÷6 tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ và thấp
hơn TBNN từ 5÷10%; từ tháng 7÷10 cao hơn TBNN 5÷10%, 2 tháng cuối năm tổng
lượng mưa có xu hướng xấp xỉ và cao hơn so với TBNN. Có khoảng 1÷2 đợt giảm mưa
giữa mùa mưa xuất hiện vào tháng 8 và tháng 9.
Phát biểu chỉ đạo tại hội
nghị, ông Mai Hùng Dũng đề nghị các Sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ
thị của Ủy ban nhân dân tỉnh số 11/CT-UBND, ngày 10 tháng 5 năm 2024 về việc
tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024; yêu
cầu Văn phòng thường trực tiếp tục phát huy trong công tác cảnh báo, cung cấp
thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng,
tránh thiên tai; các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác
PCTT-TKCN trước tình hình thiên tiên ngày càng bất thường, cực đoan. Đồng thời,
Ông cũng đề nghị các địa phương phải lưu ý đặc điểm tình hình các loại thiên
tai xảy ra trên địa bàn (chủ yếu mưa lũ, triều cường, ngập lụt, dông lốc) để có
phương án ứng phó phù hợp; tổ chức kiểm tra, kiểm soát giao thông trong mùa mưa
lũ, khi xảy ra mưa lớn gây ngập úng cần có biển cảnh báo tại các điểm ngập lụt,
chia cắt giao thông để đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông đi lại; các Ban
quản lý dự án xây dựng công trình, các đơn vị thi công công trình trên địa bàn
tỉnh chú trọng công tác đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công,
đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện thi công để không ảnh hưởng đến
tiến độ các công trình; các hồ chứa đầu phối hợp chặt chẽ với các cấp chính
quyền địa phương trong quá trình vận hành để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt
hại ngập lụt, sạt lở bờ sông do xả lũ….