Do ảnh hưởng của
biến đổi khí hậu cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa
nhanh, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh thường xảy ra mưa lớn cực đoan, tập
trung trong thời gian ngắn, đỉnh triều cường ngày càng cao, dông lốc xảy ra ở khắp nơi gây thiệt hại về người, nhà ở,
công trình, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân toàn tỉnh.
Theo dự báo của Đài
Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương, từ tháng 9/2024 khả năng LaNina được thiết
lập và ảnh hưởng, nguy cơ xảy ra bão mạnh trên biển Đông, mưa dông diện rộng với
lượng mưa vừa, mưa to đến rất to trên địa bàn tỉnh, trong cơn dông đề phòng lốc,
sét, gió giật xuất hiện nhiều với cường độ mạnh nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến
các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Với nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ huy, điều hành hoạt động
phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy phòng,
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
chỉ đạo các địa phương và nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu
quả thiên tai. Vừa qua, để đánh giá năng lực nhằm
phát huy vai trò, nhiệm vụ của các công trình trong mùa mưa lũ năm 2024, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức kiểm tra công trình thuỷ lợi, đê bao, phòng chống
thiên tai, tiêu thoát nước.
Trong đợt kiểm tra từ ngày 13 đến ngày 25/8/2024,
đoàn công tác đã kiểm tra hiện trạng, công tác quản lý, vận hành các công trình
thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, tiêu thoát nước do Trung tâm Đầu tư,
khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện
Bắc Tân Uyên và thành phố Tân Uyên quản lý, gồm: Hệ thống thủy lợi An Sơn - Lái
Thiêu, Hệ thống thoát nước Chòm Sao -
Suối Đờn, Hệ thống kênh tiêu nước Bình Hòa,
Hệ thống tiêu nước Khu công nghiệp Đồng An - Sóng Thần và vùng phụ cận
(Thành phố Thuận An); Hệ thống đê bao Tân An -
Chánh Mỹ (Thành phố Thủ Dầu Một), Hệ thống đê bao An Tây -
Phú An (Thành phố Bến Cát), Hồ Từ Vân 1 và Từ Vân 2
(Huyện Bàu Bàng), Hệ thống thủy lợi Cần Nôm (Huyện Dầu Tiếng), Trạm bơm Tân An, Tân Long, Bạch Đằng (Thành phố Tân Uyên)
và Hồ Đá Bàn, Dốc Nhàn (Huyện Bắc Tân Uyên).
Đoàn kiểm tra hiện trạng công
trình hồ Từ Vân 1, 2 và hệ thống thủy lợi Cần Nôm (Ảnh: Trương Minh Thiện)
Đối
với các công trình còn lại, Đoàn kiểm tra đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố và các đơn vị quản
lý, khai thác công trình tổ chức kiểm tra và báo cáo kết
quả về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Qua kết quả kiểm tra thực tế một số công trình trọng
điểm và báo cáo kết quả kiểm tra công trình của các địa phương, đơn vị quản lý
khai thác công trình, Đoàn kiểm tra ghi nhận hầu hết các công
trình trên địa bàn tỉnh được các đơn vị quản lý, vận hành theo đúng quy trình, đảm
bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024. Tuy nhiên, tiến độ sửa chữa một số hạng
mục công trình bị hư hỏng nhỏ còn chậm do thẩm quyền của đơn vị quản lý công
trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ được quyết định đối với dự toán
sửa chữa dưới 200 triệu đồng; đối với các hạng mục có dự toán sửa chữa trên 200
triệu đồng phải trình Ủy ban nhân dân tỉnh xin chủ trương nên mất nhiều thời
gian (theo Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu
về lựa chọn nhà thầu).
Sau đợt kiểm tra, Đoàn tổng hợp kết quả và có kiến
nghị đến các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp để khắc phục tồn tại,
hạn chế nhằm nâng cao năng lực của các công trình, phát huy vai trò của các
công trình trong phòng, chống thiên tai, giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại do
thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh./.